Tập trung hơn, năng suất hơn với Pomodojo

Pomodoro là tiếng Ý, tương đương trong tiếng Anh là Tomato, chỉ một loại quả khi chín có màu đỏ, chia múi, đặc biệt là dễ ăn. Việt Nam ta gọi là cà chua; và dễ dùng vào nhiều mục đích, ví như dùng để ném nhau thì ít bị đau.

 Nhưng Pomodoro mà chúng ta đang muốn nói để ở đây là phương pháp quản lý thời gian hiệu quả để tăng hiệu suất công việc của cá nhân. Bản chất giống quả cà chua: ĐỎ – DỄ ĂN – NÉM ÍT ĐAU. Chúng tôi gọi đó là PHƯƠNG PHÁP ĐỒNG HỒ CÀ CHUA.

ĐỎ – Tách công việc đang làm ra từng nhiệm vụ nhỏ, trông đẹp đẽ như những quả cà chua đỏ.

DỄ ĂN – Thời gian cho mỗi nhiệm vụ thường là 25 phút, nghỉ 5 phút, rồi lại 25 phút khác, dễ như ăn cà chua.

NÉM ÍT ĐAU – Cứ sau 25 phút bản thân đã biết mình hoàn thành được việc gì, nếu chưa đúng thì ngay lập tức có thể sửa. Sửa nhiệm vụ nhỏ dễ hơn sửa việc lớn. Như vậy việc cải thiện nhiệm vụ nhỏ sẽ ít ảnh hưởng, ít đau hơn và dễ thành công hơn so với cải thiện việc lớn và đã làm trong thời gian dài.

BA BƯỚC ĐỂ SỬ DỤNG POMODORO HIỆU QUẢ
BƯỚC 1 – Chuẩn bị danh sách công việc (to do list)

Xác định công việc cần làm bằng file excel hoặc google spread sheet hoặc task list trong calendar của gmail. Tách nhỏ những công việc đang làm ra từng nhiệm vụ nhỏ để có thể hoàn thành trong thời gian 25 phút của Đồng hồ cà chua.
Dán danh sách các việc đang làm lên màn hình desktop hoặc in ra bản cứng để trên bàn. Bạn có thể dùng evernote hoặc stickynote để nhớ việc.
BƯỚC 2 – Cài đặt đồng hồ cho chế độ Đồng hồ cà chua.

Gợi ý các loại đồng hồ có thể cài đặt trên máy tính và điện thoại: http://www.mindfulnessdc.org/mindfulclock.html; http://tomato-timer.com/. Và còn nhiều nữa, hãy search từ khóa Pomodoro trên Apple AppStore hoặc Google Play để lựa chọn loại App ưa thích.

BƯỚC 3 – Thực hiện các nhiệm vụ theo đúng trình tự đã đưa ra.

Chuông đánh 25 phút (hoặc quãng thời gian mà bạn đã định sẵn cho công việc nhưng không quá 2h) là dừng lại nghỉ 5 phút.

Hãy kiên nhẫn vì bước đầu có thể sẽ bị chán hoặc cảm giác bị gò bó, tuy nhiên khi thực hiện tốt bạn sẽ thấy hiệu quả của việc kéo dài thời gian làm việc của mình.

ĐỒNG HỒ CÀ CHUA CHO TRẺ EM! Tại sao không?
Tôi đã chết mê chết mệt Pomodoro vì rất có tác dụng. Tôi cũng đã sử dụng những bước trên cho cậu con trai 9 tuổi của mình, phải nói là hiệu quả không kém gì và cậu ấy cũng tự kiểm tra chính mình nên nhờ đó mà mỗi ngày lại lớn hẳn ra. Nhiều khi tôi cứ lo sợ cậu ấy tự lập nhanh quá, mẹ lại muốn kéo con dựa dẫm vào mình chút cho khỏi thấy mình vô dụng.

Cậu ấy lập một mindmap các việc cần làm trong một quãng thời gian dài, ví dụ 1 mùa hè 3 tháng, 1 năm học 9 tháng.



Sau đó cậu ấy lập 1 todo list, bởi vì mẹ nhận thấy mindmap chỉ để có cái nhìn tổng quát chứ chẳng giúp ích gì cho cậu trong việc rèn luyện bản thân hết.



Nhưng todo list cũng lại trở nên vô dụng trong vài ngày vì cậu ấy cứ nhìn vào đó và làm thì không có động lực. Vậy nên cậu ấy có check list mỗi ngày.

pomodoro - checklist

Cậu ấy đi học về lúc 4h20, và 5h15 lại đi học võ, vậy cậu có 55 phút để làm 2-3 việc tùy cậu chọn. Việc sử dụng một cái đồng hồ bấm tay là vô cùng hiệu quả.



Nếu một người chủ động công việc của mình cũng nên dùng đồng hồ bấm giờ kiểu trên sẽ tiện lợi và tiết kiệm thời gian hơn đồng hồ trong máy tính hoặc điện thoại. Lí do là có lúc chúng ta cần đọc cuốn sách và không mở máy, có lúc chúng ta cần làm công việc viết lách bằng bút mà không dùng đến các thiết bị điện tử, và có lúc chúng ta cần an tịnh để suy nghĩ một việc gì đó.

TẠI SAO CHIA KHUNG GIỜ ĐỂ LÀM VIỆC CÓ THỂ MANG LẠI SỰ THAY ĐỔI?
Đó là điều vô cùng bí ẩn trong bộ não con người, các bạn hãy thử nhé. Khi công việc được chia nhỏ các phần rõ ràng và được hoàn thành trong thời gian ngắn, con người như được tiếp thêm năng lượng thành công, và cứ vậy mọi việc được hoàn thành mà dường như không mất chút sức lực nào hết.

Nguồn: AgileBreakfast