Làm sao để trở thành Product Owner giỏi?

Giới thiệu sách “Agile Product Manament with Scrum” của Roman Pichler

Sách về quản trị dự án thì nhiều, nhưng về quản lí sản phẩm thì lại ít. Tôi cứ hay tự hỏi là do quản trị dự án dễ viết hơn hay bởi vì ít người dám viết về quản lí sản phẩm? Thật lạ là Scrum được thiết kế để phát triển sản phẩm, nhưng lại rất hay được gắn vào những cuốn sách “quản trị dự án”, kể cả cha đẻ của nó cũng có một cuốn như vậy (cuốn classic “Agile Project Management with Scrum” của Ken Schwaber). Một cuốn được viết riêng cho mục đích quản lí sản phẩm như “Agile Product Management with Scrum” của Roman Pichler thuộc số ít đó.


Việc biết được những tính năng cần phải có trong mỗi sản phẩm là thử thách của bất kì người phát triển sản phẩm nào. Quá trình đó không đơn giản là những kết luận từ các nghiên cứu thị trường, hay những phỏng đoán của các lập trình viên. Đó thực sự là một thử thách khắc nghiệt, quyết định thành bại của mỗi sản phẩm. Nếu Ken Schwaber từng nhắc đi nhắc lại “Scrum rất dễ hiểu nhưng khó tinh thông”, thì phần khó nhất có lẽ là nằm ở vai trò của Product Owner: chịu trách nhiệm về sản phẩm. Nếu nó là nghệ thuật, thì những kĩ năng được đề cập trong sách giống như những kĩ thuật cơ bản để nghệ sĩ thỏa sức kiến tạo nên những tác phẩm thành công.

Cuốn sách đề cập đến hầu hết những công việc mà một chủ sản phẩm (Product Owner ) phải tham gia như:

  • Hiểu rõ vai trò của Product Owner: PO làm gì, làm như thế nào và những ảnh hưởng của vai trò này với toàn bộ quá trình phát triển sản phẩm;
  • Cách thức hình dung ra sản phẩm: đặt tầm nhìn (vision) cho sản phẩm để hướng dẫn đội ngũ và các bên liên quan;
  • Tạo lập các Product Backlog để hiện thực hóa tầm nhìn thành các tính năng cụ thể của sản phẩm;
  • Cập nhật và làm mịn Product Backlog như thế nào để liên tục thích ứng;
  • Lập kế hoạch phát hành;
  • Cộng tác với Đội Scrum và các bên liên quan trong các Sự kiện Scrum ra sao.

Đặc biệt, ở chương cuối cùng, tác giả không quên chỉ dẫn người đọc tới những chuyển đổi cần có khi lần đầu tiên trở thành Product Owner: từ chuẩn bị tinh thần, biết các yêu cầu cơ bản đối với Product Owner, cách thức học tập để trưởng thành liên tục, trở thành Product Owner giỏi và chuyển giao cho những thế hệ “đàn em” trong tương lai.

Trong mỗi chương sách, tác giả cố gắng đạt được sự ngắn gọn nhất có thể, thực dụng nhất có thể nhằm làm cho người đọc sớm “thoát” ra khỏi câu chữ để lăn vào “hành động”. Những phần “Common Mistakes” (Lỗi thường gặp) cuối mỗi chương có thể là những lời khuyên rất hữu ích để người thực hành không giẫm phải những vết xe đổ của người đi trước. Nếu bạn đọc chưa thỏa mãn với những gì viết trong sách, thì đã có phần Tham khảo cuối mỗi chương rất hữu ích để tra cứu, kiểm chứng hoặc tìm hiểu kĩ hơn từng vấn đề mà mình chú tâm.

Sách mỏng, dễ đọc, dễ thực hành cho người chuẩn bị làm “chủ” sản phẩm đầu tiên.

Dương Trọng Tấn.