Giới thiệu sách “Agile Retrospectives” của Esther Derby và Diana Larsen.
Tài liệu Hướng dẫn Scrum có ghi rằng “Hoạt động Cải tiến (Retrospective) là cơ hội để Nhóm Scrum tự thanh tra và đề ra kế hoạch cho các cải tiến trong Sprint tiếp theo”. Tuy nhiên, cơ hội đó nên được nhóm tận dụng như thế nào lại là một dấu hỏi to đùng khiến không ít người bối rối. Rất nhiều người thậm chí vẫn nhầm lẫn Retrospective với “giải trí ở quán bia” (thật đấy J).
Câu hỏi lớn đó mở ra hàng loạt những thắc mắc khác để một đội nhóm Scrum có thể làm chủ được hoạt động trọng yếu này: làm sao để tổ chức rà soát – cải tiến sao cho vừa vui vẻ vừa hiệu quả? Họp cải tiến diễn ra trong bao lâu là vừa? làm gì trong buổi họp đó? Tập trung thế nào? Làm sao để thu thập được dữ liệu? phân tích dữ liệu đó như thế nào để có được sự hiểu biết sâu sắc (insight) về quá trình vừa diễn ra? Làm sao để lựa chọn việc gì cần làm để cải tiến? v.v.
Chúng ta có thể tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau để trả lời cho các câu hỏi đó. Trường phái theo Tinh gọn (Lean) hoặc ISO thì dùng các kĩ thuật Kaizen truyền thống hoặc có chỉnh sửa. Trong khi đó, Esthner Derby và Diana Larsen cung cấp cho chúng ta một loạt những hướng dẫn theo cách riêng, rất “Agile”, cho nhóm trong cuốn “Agile Retrospectives” thuộc tủ sách Hành dụng (Pragmatic Bookshelf) nổi tiếng của O’Reilly.
Có lẽ đây là cuốn sách đọc hơi … chán, vì nó được viết theo lối giản lược, thậm chí không ngại dùng kiểu viết “gạch đầu dòng” như thể tài liệu thuyết trình. Nhiều phần giống như một tập hợp các flashcard được ghép thành một cuốn sách, mà trên mỗi một flashcard đó là một gợi ý hoạt động để người đọc thực hành luôn. Có thể nói đây là cuốn sách hướng dẫn thực hành chứ không phải là cuốn sách để đọc. Chính vì thế, theo một tinh thần Agile “học tập có kiểm chứng”, bạn cần phải thực hành những gì được “gạch” ra thì mới biết được sách có hay hay không. Độ hay-dở của cuốn sách có lẽ nằm ở hiệu quả tương tác này. Chính người đọc cần phải kiểm chứng: liệu những “chiêu thức” của hai tác giả có thực sự giúp nhóm làm việc tốt hơn qua mỗi Sprint không, có làm cho năng suất và chất lượng công việc cải tiến liên tục không.
Trong thiết kế của khung làm việc Scrum, Retrospective là một điểm ngắt quan trọng để tạo cơ hội cải tiến những gì đang làm, để nhóm trở nên tốt hơn mỗi ngày. Agile chủ đích chèn thật nhiều cơ hội đó vào trong quá trình hoạt động của nhóm thông qua việc lặp đi lặp lại một chu trình phát triển, để tạo những “nhịp” tự nhiên cho các hoạt động cải tiến. Hãy đọc và áp dụng các “chiêu” của Esthner và Diana để thấy rõ điều đó thực sự là như thế nào.
Dương Trọng Tấn.