Giới thiệu sách “Software in 30 days”
Lúc sách chưa ra lò, Ken Schwaber giới thiệu trên blog là sẽ có sách như thế như thế, tôi cứ hóng mãi. Nhưng lúc vồ được thì lại hơi khó chịu vì hai chuyện: (1) cái bìa xấu tệ; (2)mọi thứ về Scrum được đề cập trong sách lại tô hồng quá.
Nhưng khi đã cảnh giác xong xuôi đâu vào đấy rồi thì thấy cuốn sách của hai vị lão thành quả là đáng đọc, vì nó là một trong ít sách vở viết về Scrum trong thời gian gần đây có vẻ còn chịu khó đi tìm cái mới. Hai tác giả của nó dường như vẫn còn chịu khó cải tiến và tổng kết, chứ chưa đến nỗi “sập gụ tủ chè” với thành tích xa xưa.
Phần I của cuốn sách tập trung trả lời câu hỏi “Tại sao ai cũng có thể làm ra phần mềm trong 30 ngày?”. Dĩ nhiên là các tác giả muốn dẫn độc giả đến với đứa con cưng Scrum của họ, dẫn đến một mệnh đề mang đậm tư duy tích cực của Ken Schwaber mà ông có nhắc đi nhắc lại nhiều lần: ”Scrum là nghệ thuật của việc tận dụng các khả năng”. Dĩ nhiên là các số liệu, phân tích tình huống và bản thân các tình huống được lựa chọn rất “mạnh” trong việc định hướng người đọc đến với Scrum, từ các số liệu của CHAOS report đến tình huống nan giải ở FBI hồi “trước khi Scrum đến”. Phần II với 6 chương được dành ra để giúp người đọc mường tượng cách thức vận dụng Scrum vào công việc theo các mức độ khác nhau, từ “thử cho biết”, đến việc lập Scrum Studio cho nhiệm vụ phát triển sản phẩm, hay lan rộng áp dụng Scrum ở mức độ toàn tổ chức (enterprise). Các tác giả cũng không quên “đính kèm” hai tài liệu quan trọng: một là Scrum Guide để giúp bạn đọc tham chiếu lại các khái niệm cơ bản của Scrum framework; một là tài liệu hướng dẫn áp dụng Scrum cho công ty (Playbook for Achieving Enterprise Agility). Đối với một số bạn đọc, có khi cái Phụ lục 3 (Playbook) này lại là cái tài liệu hữu ích hơn cả, vì nó cung cấp những chỉ dẫn sát sườn cho việc áp dụng Scrum; trong khi các phần How-to ở Phần II của cuốn sách lại chỉ dừng mức mô tả.
Như phần trên đã phàn nàn, rằng các sách Scrum hiện nay phần lớn ít chịu tìm tòi những cái mới. Có lẽ những sách hay nhất về Scrum đều nằm ở đầu thập niên 2000s, phần sau là “ăn theo”. Vì thế những “nét mới” được trình bày trong “Software in 30 days” có thể là rất đáng chú ý. Nét mới này liên quan đến một khái niệm (còn chưa được trình bày trong sách) có tên: Scrum-And. Đây có thể coi như một vision (hay một lộ trình – roadmap) cho những người chuẩn bị “làm bạn” với Scrum. Như đã đề cập trong sách qua từng chương, từ 6-10, Scrum có thể được áp dụng ở nhiều cấp độ khác nhau (Pilot, RPN, Studio, Enterprise, Persistent Enterprise) tương đương với các cấp độ mà Scrum có thể tham gia sâu vào nền tảng văn hóa của công ty, như được mô tả trong hình dưới đây của Ken Schwaber:
Nhìn vào ý tưởng Scrum-And, ta thấy Scrum là một lộ trình chứ không phải chỉ đơn giản là một tập hợp các practices ứng dụng tức thì. Theo lộ trình này, người làm quen với Scrum sẽ tự tin hơn về những thứ “chưa đạt được”, tránh ảo tưởng về một “silver-bullet” khi đến với Scrum, cũng để người dùng Scrum bớt “sốt ruột” hay “đốt cháy giai đoạn” để làm chủ Scrum và biến nó thành giá trị nền tảng cho văn hóa công ty. Đây quả là một lộ trình rõ ràng, mạch lạc mà hai tác giả của Scrum cung cấp cho những người “theo đuôi” họ.
Một cuốn sách mỏng, cập nhật, sáng sủa, tuy hơi có “mùi” quảng cáo. Đọc xong có thể bạn sẽ tự tin dùng Scrum hơn hẳn đấy!
Dương Trọng Tấn.