Cộng đồng Agile tại Việt Nam nhanh chóng hội nhập

Cộng động Agile Việt Nam đang hội nhập nhanh cả theo bề rộng và bề sâu để lĩnh hội phương pháp làm việc hiện đại nhằm gia tăng năng lực sáng tạo và cạnh tranh. Cùng với các trào lưu khởi nghiệp đang có dấu hiệu khởi sắc, Agile chắc chắn sẽ sớm trở nên phổ biến (mainstream) và đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghệ thông tin còn non trẻ nhưng đầy tiềm năng của Việt Nam.

Tới thăm Hyperlogy vào một ngày cuối tháng 8, tôi thật sự ấn tượng bởi những kết quả mà những thành viên ở đây đã làm được. Gương mặt của anh Chu Xuân Vinh – Chủ tịch Hyperlogy rạng rỡ khoe với chúng tôi “Nhờ Scrum, bọn anh đã có sản phẩm tốt để triển khai”. Những tính năng của sản phẩm mới phát triển đang nhanh chóng khiến chính các nhân viên và lãnh đạo Hyperlogy hài lòng. Sau gần một năm triển khai chuyển đổi phương pháp luận phát triển phần mềm sang Scrum, Hyperlogy đã bắt đầu gặt hái được trái ngọt đầu tiên.

Trong một cuộc trò chuyện gần đây với cộng động HanoiScrum, Ban lãnh đạo của V-NEXT - một công ty chuyên gia công phần mềm cho thị trường Nhật Bản khó tính bậc nhất đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi và coi đây là một bước tiến quan trọng của công ty. V-NEXT lựa chọn phương thức phục vụ cho mục tiêu phát triển nhanh chóng và bền vững với cái lõi là Scrum và triết lý Phát triển Phần mềm Linh hoạt (Agile Software Development, hay Agile).

Những công ty như Hyperlogy hay V-NEXT ngày càng nhiều lên kể từ khi cộng đồng Agile và Scrum tại Việt Nam tổ chức hội thảo AgileTour về phát triển phần mềm linh hoạt đầu tiên năm 2011. Scrum và Agile ngày càng chứng tỏ sự hữu hiệu trong việc nâng cao năng lực phát triển phần mềm, nâng cao năng suất lao động bên cạnh việc góp phần tích cực kiến tạo văn hóa doanh nghiệp.

Ra đời từ đầu những năm 1990, nhưng phải đến đầu những năm 2000 các phương pháp Agile (như Scrum, XP hay Kanban …) mới bắt đầu trở nên phổ biến trên thế giới. Agile đã thực sự giúp các đơn vị phát triển phần mềm có thể nhanh chóng đưa ra thị trường những phần mềm có chất lượng cao, tránh được các vấn đề rắc rối về kế hoạch hóa và sản xuất theo phương thức truyền thống, dễ dàng thích ứng nhanh với biến chuyển của công nghệ và thị trường cũng như đòi hỏi ngày càng phức tạp của người sử dụng các hệ thống phần mềm. Từ những tên tuổi lớn như IBM, Microsoft, HP, Google đến những công ty vừa và nhỏ như Hyperlogy hay V-NEXT ở Việt Nam đều đang nhanh chóng chuyển mình và gặt hái những lợi ích to lớn từ Agile.

Theo thống kê của Forester Research, hiện nay khoảng 40% các đơn vị đã sử dụng Agile như là phương pháp luận căn bản để phát triển phần mềm. Trong khi con số này càng gia tăng thì tỉ lệ những công ty duy trì phương thức phát triển phần mềm truyền thống đang giảm đi trông thấy.  Đây là một xu thế đáng lưu ý trong bối cảnh ngành công nghệ thông tin đang có những biến chuyển lớn theo hướng linh hoạt (Agility) và di động (Mobility). Ngày nay, kiến thức về Agile đã trở thành nền tảng của không chỉ các lãnh đạo mà còn là yêu cầu của các lập trình viên.

Việt Nam tuy gia nhập cộng đồng Agile khá muộn, bắt đầu từ cuối 2011, nhưng đã nhanh chóng phát triển. Với hàng loạt hội thảo lớn nhỏ như AgileTour, ScrumDay Việt Nam, Lean Workshop, Kaizen Camp, Coderetreat, CodingDojo hay những khóa đào tạo bài bản của tổ chức Scrum lớn nhất thế giới (ScrumAlliance) từ những chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực này như Ken Schwaber, Mary Poppendieck , Bas Vodde …; Việt Nam đang hội nhập nhanh cả theo bề rộng và bề sâu để lĩnh hội phương pháp làm việc hiện đại nhằm gia tăng năng lực sáng tạo và cạnh tranh. Cùng với các trào lưu khởi nghiệp đang có dấu hiệu khởi sắc, Agile chắc chắn sẽ sớm trở nên phổ biến (mainstream) và đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghệ thông tin còn non trẻ nhưng đầy tiềm năng của Việt Nam.