Trong những năm gần đây, Agile đang thực sự nổi lên như một phương pháp phát triển phần mềm đáng tin cậy với hiệu quả cao, được các công ty hàng đầu thế giới tin dùng. Ở Việt Nam, tuy số lượng các doanh nghiệp phần mềm sử dụng Agile chưa thực sự nhiều nhưng con số này đang tăng mạnh theo hàng năm. Thay vì khá e ngại với một phương pháp mới mẻ như trước đây, các doanh nghiệp phần mềm Việt đã mạnh dạn hơn trong việc áp dụng Agile, và đặc biệt là Scrum – quy trình phát triển phần mềm phổ biến nhất trong “gia đình” Agile – bởi những quy trình này đã được hàng chục ngàn doanh nghiệp với những quy mô khác nhau trên thế giới áp dụng.
Chúng tôi đã có dịp nói chuyện với anh Hán Văn Thắng (CEO) và anh Hoàng Phan Bảo Trung (CTO) của V-Next – một doanh nghiệp phần mềm điển hình đang chuyển mình theo Agile.
PV: Xin chào hai anh, rất vui vì được nói chuyện với hai anh về câu chuyện về sự chuyển mình của V-Next khi áp dụng phương pháp Scrum, mà theo cách gọi của các anh là “Scrum từ chiến hào V-Next”. Các anh có thể giới thiệu qua về V-Next?
Anh Hán Văn Thắng: V-Next là chi nhánh tại Việt Nam của công ty G-Next, có trụ sở tại Tokyo – Nhật Bản. Lĩnh vực hoạt động chính của V-Next là gia công phân mềm cho công ty mẹ G-Next về các hệ thống CRM trên nền tảng PHP. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh trong những năm gần đây, V-Next đã thực hiện các đơn hàng phần mềm với nhiều đối tác khác, và cũng đang mở rộng nền tảng công nghệ .NET, Android… Hiện tại, chúng tôi có khoảng 50 nhân sự và dự định con số này sẽ tăng thêm nhiều trong những năm sắp tới để đáp ứng nhu cầu phát triển mở rộng của V-Next.
PV: Anh có thể chia sẻ rõ hơn về tình hình các dự án trong công ty?
Anh Hoàng Phan Bảo Trung: Hiện tại, V-Next đang có 3 dự án đang phát triển và 8 dự án trong giai đoạn bảo trì, nâng cấp. Với những dự án đang triển khai, có khoảng 7 đến 10 nhân sự tham gia, các dự án thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng.
PV: Theo tôi, quy mô của những dự án không lớn, song mật độ các dự án tương đối dày và V-Next thường có nhiều dự án chạy song song. Các anh đã làm gì để duy trì hiệu quả của những dự án này?
Anh Hoàng Phan Bảo Trung: Trước đây, V-Next đã tự xây dựng quy trình của riêng mình, đó là sự kết hợp giữa waterfall và tư tưởng Lean của người Nhật. Vì thế, quy trình của V-Next lúc đó dù chưa có tên gọi cụ thể, song quy trình của chúng tôi đã có một số đặc trưng như “hướng khách hàng”, “chuyển giao nhanh” của Lean; các bước thực hiện từ thiết kế tới lập trình, kiểm thử đều có rất nhiều tài liệu của waterfall. Chúng tôi đã nghĩ rằng quy trình do V-Next đưa ra là rất tốt, tuy nhiên…
PV: Quy trình đó không thực sự tốt?
Anh Hán Văn Thắng: Như anh Trung đã nói, chúng tôi đã đưa ra quy trình đó, nhưng thực sự là nó còn chưa có tên (cười). Khi chúng tôi muốn hệ thống hóa lại quy trình của mình, chúng tôi thấy nó vẫn còn nhiều điểm dở…
PV: Anh có thể nói rõ hơn?
Anh Hoàng Phan Bảo Trung: Vâng, thực sự thì chúng tôi không nhận ra những điểm dở đó cho tới khi tiếp xúc và áp dụng Scrum. Khi chúng tôi hệ thống hóa lại quy trình, V-Next đã tìm hiểu và nhận thấy Scrum khá giống với quy trình hiện có, cũng chia dự án thành những phân đoạn nhỏ, liên tục chuyển giao tới khách hàng… Từ những sự tương đồng đó V-Next đã tìm hiểu và có sự giúp đỡ của HanoiScrum, chúng tôi đã áp dụng Scrum vào một vài dự án thử nghiệm và thấy rằng kết quả rất khả quan.
PV: Anh nói “Scrum khá giống với quy trình hiện có”, dù quy trình cũ còn nhiều điểm hạn chế. Vậy Scrum không thể khắc phục được những nhược điểm này?
Anh Hán Văn Thắng: (Cười) Chúng tôi chỉ nhận ra điểm hạn chế của quy trình cũ khi áp dụng Scrum. “Scrum khá giống quy trình hiện có” chỉ là cảm nhận ban đầu khi chúng tôi tiếp xúc với Scrum, chính vì vậy V-Next đã áp dụng thử nghiệm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chúng tôi nhận ra sự vượt trội của Scrum, đấy chính là lúc chúng tôi nhận ra sự hạn chế của quy trình cũ, như tính giản đơn mang lại hiệu suất cao, sự rõ ràng, tính trực quan và khả năng mở rộng của đội dự án, khả năng kiểm soát lỗi, kiểm soát công nghệ … tốt hơn hẳn. Bây giờ thì chúng tôi không còn mang chúng ra so sánh với nhau nữa, V-Next đã kiên quyết áp dụng Scrum rồi.
PV: Hiện trạng áp dụng Scrum tại V-Next hiện nay?
Anh Hoàng Phan Bảo Trung: Hiện tại V-Next đang có 2 đội Scrum, nhân lực từ 7 đến 8 người một đội, hiện đang phát triển những sản phẩm chủ đạo của công ty. Hai đội này đã hoạt động hiệu quả, mang lại giá trị tích cực cho công ty.
PV: Việc áp dụng Scrum trong các nhóm này có gặp trở ngại gì không?
Anh Hán Văn Thắng: Trở ngại lớn nhất là sức ỳ quán tính của mọi người. Nhiều thành viên nghe thấy những điều mới thì không thực sự hào hứng, dù rằng nó không quá xa lạ. Trở ngại thứ hai là thay đổi tư tưởng về mặt quản lý. Scrum đòi hỏi độ tập trung cao, không thực hiện các công việc song song ngoài dự án nên các quản lý cấp cao và cấp trung thường lo sợ việc trễ tiến độ. Ngoài ra, việc thay đổi tư tưởng của khách hàng cũng cần có thời gian. Trước đây, việc chuyển giao thường được thực hiện trong 2, 3 ngày, đôi khi là 1 ngày; giờ Scrum đòi hỏi việc chuyển giao phải theo định kỳ, thường là 2 tuần nên khách hàng khá lo sợ việc trễ tiến độ. Tuy nhiên, sau thời gian thử nghiệm tốt, hầu hết những trở ngại này đã được giải quyết.
PV: Như anh nói, V-Next luôn hướng trọng tâm vào khách hàng, trước đây khách hàng luôn nhận được gói sản phẩm sau 2, 3 ngày; giờ đây họ phải chờ tới 1 hoặc 2 tuần để nhận gói sản phẩm. Điều này có đi ngược lại lợi ích của khách hàng, khiến khách hàng của V-Next không hài lòng?
Anh Hán Văn Thắng: Không thực sự như vậy. Thực tế khách hàng của V-Next thường không cần thiết phải có gói sản phẩm trong 2 hay 3 ngày. Theo quy trình cũ, việc kiểm soát lỗi không được tốt dẫn đến việc khách hàng muốn giám sát nhiều hơn. Giờ đây, khi áp dụng Scrum, chất lượng của các gói sản phẩm được nâng cao rất nhiều, vì vậy khách hàng hoàn toàn hài lòng với việc nhận gói sản phẩm sau 1 hoặc 2 tuần với chất lượng cao hơn và không tốn chi phí giám sát.
PV: Sau một thời gian áp dụng Scrum, anh có thể đánh giá những cái được và mất của V-Next khi áp dụng Scrum?
Anh Hoàng Phan Bảo Trung: Được rất nhiều (cười).
Đối với nội bộ V-Next, điều dễ nhận thấy nhất là ý thức tự học tập và trau dồi công nghệ của nhân viên. Thứ hai là khả năng mở rộng đội dự án tăng lên rõ rệt: Trước đây để tìm kiếm hay đào tạo một PM (Project Manager) rất vất vả và tốn nhiều thời gian nhưng giờ việc đó dễ dàng hơn dựa vào framework Scrum.
Dưới góc độ khách hàng, số lượng lỗi giảm thiểu đáng kể, khách hàng hài lòng hơn vì chất lượng được nâng cao và giảm chi phí giám sát dự án.
PV: Anh có thể cho biết rõ hơn về việc chất lượng được nâng cao?
Anh Hoàng Phan Bảo Trung: Trước đây, mỗi lần chuyển giao cuối tuần, V-Next nhận được phản hồi khoảng 16 đến 20 lỗi. Hiện tại, V-Next nhận được phản hồi khoảng 8 lỗi, hầu hết các lỗi đó khá dễ để xử lý.
PV:Đó là những cái “được”, vậy V-Next đã “mất” gì?
Anh Hoàng Phan Bảo Trung: Ờ… (cười), chúng tôi chưa thấy mất gì. Có thể V-Next đã mất điều gì đó khi áp dụng Scrum nhưng thực sự chúng tôi đang không nhận ra vì thấy “được” nhiều quá. Tôi nghĩ V-Next đã mất thời gian, công sức, tâm huyết để áp dụng Scrum một cách hiệu quả nhưng nếu nói “mất” là sự đánh đổi – V-Next sẽ có khi làm theo cách cũ không áp dụng Scrum – thì tôi nghĩ là không “mất” gì.
PV: Kế hoạch tương lai của V-Next với Scrum?
Anh Hán Văn Thắng: Sau khi áp dụng thành công với 2 đội dự án, chúng tôi quyết định sẽ chuyển toàn bộ quy trình của đội dự án trong công ty sang sử dụng Scrum, bắt đầu từ tháng 11 tới và hy vọng việc chuyển đổi sẽ thành công trong 6 tháng.
PV: 6 tháng chuyển dịch có phải là cái giá quá đắt với V-Next?
Anh Hán Văn Thắng: Không, với 2 đội dự án đã thử nghiệm thành công chúng tôi tự tin việc chuyển đổi sẽ không làm gián đoạn tình hình dự án và kinh doanh trong công ty, vì vậy đó là cái giá không hề đắt với V-Next.
PV: Liệu có lúc nào đó các anh từ bỏ Scrum như quy trình cũ của V-Next?
Anh Hoàng Phan Bảo Trung: Quan điểm của V-Next là mang lại giá trị cho khách hàng và làm nhân viên hài lòng. Scrum chỉ là một công cụ để V-Next thực hiện điều đó. Một ngày đẹp trời nào đó, nếu chúng tôi có một công cụ khác tốt hơn hoặc Scrum đi ngược lại giá trị của V-Next thì V-Next sẵn sàng thay đổi công cụ để đạt được mục tiêu của mình. Nhưng tôi nghĩ ngày đó sẽ không gần, vì thực sự V-Next đang hài lòng với Scrum và chúng tôi đã mất nhiều thời gian để tìm công cụ phù hợp này.
PV: Anh có thể nói về việc áp dụng Scrum trong V-Next bằng một câu rất ngắn.
Anh Hoàng Phan Bảo Trung: Rất khó để áp dụng nhưng rất đáng để thử.
PV: Vâng, xin cảm ơn hai anh về những chia sẻ về việc áp dụng Scrum tại V-Next. Chúc V-Next tiếp tục thành công trong những dự án tới.